Trong 2 ngày 21 và 22.08, tại Đà Lạt, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp cùng Sở KH&CN Lâm Đồng tổ chức hội thảo “Công nghệ ưu tiên cấp bách cho phát triển và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao”.

Hội thảo đã định hướng chính sách phát triển công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp và giới thiệu 6 chương trình KHCN quốc gia đến năm 2020 với những hỗ trợ, ưu đãi, quan tâm đặc biệt dành cho các doanh nghiệp gồm: phát triển sản phẩm quốc gia, phát triển công nghệ cao, đổi mới công nghệ, hộ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN và tổ chức KHCN công lập, hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KHCN, tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài.
Nông nghiệp công nghệ cao (Nguồn: Internet)

Theo PGS.TS. Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ KHCN), giá trị nông sản xuất khẩu của nước ta trong những năm gần đây mới chỉ dừng lại ở giá của mồ hôi, của cần cù lao động, chưa có lợi nhuận phát sinh từ hàm lượng khoa học công nghệ.

Cốt lõi của đổi mới sáng tạo là khoa học công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng KHCN. Sản phẩm cuối cùng của KHCN là sản phẩm hàng hóa có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị tăng cao, thân thiện với môi trường; trong đó có nông sản.

Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, biến nông sản thành hàng hóa không thể thiếu vai trò của khoa học công nghệ; mà vấn đề đặt ra là giống, quy trình canh tác, chăm sóc, đặc biệt là bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

Các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đã bàn luận những vấn đề cụ thể phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển nông nghiệp hài hòa với môi trường; những đề xuất về nghiên cứu lựa chọn giống mới, những công nghệ cần thiết phục chế biến sau thu hoạch, quy trình thâm canh canh tác cho ra sản phẩm chất lượng cao, tăng giá trị sản phẩm; liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều công nghệ cần thiết phục vụ cho phát triển nông nghiệp CNC cũng được trao đổi như: hệ thống tưới nước bón phân tự động (tự điều tiết số lần tưới trong ngày, trong tuần phụ thuộc vào thời tiết, vào giai đoạn tăng trưởng phát triển của cây), máy kiểm soát về phân bón, nước tưới, độ pH có giá thành phù hợp với điều kiện kinh tế, cần hệ thống quản lý trang trại, cần máy móc chế biến dược liệu từ dạng thô sang tinh chất, dễ sử dụng…

Hội thảo đã đi tham quan thực tế tại 4 trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu trên địa bàn huyện Lạc Dương và Đức Trọng.

(Theo nongthonviet.com.vn)